Đối với những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cổ tức là một khái niệm cơ bản và rất quan trọng cần nắm bắt ngay từ đầu. Càng nắm rõ cổ tức là gì và những khái niệm liên quan có thể giúp nhà đầu tư dễ dàng hiểu được thị trường hơn từ đó tìm kiếm được các cơ hội sinh lời. Ngược lại, nếu quá vội vàng bắt tay vào chứng khoán trong khi chưa có sự chuẩn bị nền tảng kiến thức vững vàng sẽ rất dễ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng không lường trước được. Hãy cùng Trạng Quỳnh tìm hiểu chi tiết hơn những vấn đề liên quan đến cổ tức thông qua nội dung bài viết sau.
Mục lục nội dung
- 1 Đôi nét về cổ tức
- 2 Lưu ý về ngày chia cổ tức quan trọng
- 3 Nên chọn công ty chi trả cổ tức nhiều hay ít để đầu tư?
- 4 Nhà đầu tư phải chịu thuế như thế nào đối với cổ tức nhận được?
- 5 Lý do giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền
- 6 Tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu được cho là hợp lý?
- 7 Nhầm lẫn của nhà đầu tư khi định giá cổ phiếu
- 8 Cổ tức cao hay thấp nên được hiểu như thế nào?
- 9 Kết luận
Đôi nét về cổ tức
Cổ tức là gì?
Cổ tức được định nghĩa là một phần lợi nhuận sau thuế được công ty cổ phần quyết định chia cho các cổ đông. Theo đó, cổ tức thường được chi trả dưới hai hình thức chính là bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Theo Luật Doanh nghiệp 2014 có ghi: “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần, bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính.” Và số tiền được chi trả cho cổ tức thường được công khai trong cuộc họp của các cổ đông.
Chẳng hạn, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế là 100 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ giữ lại 70% để tái đầu tư chỉ chia cổ tức 30% theo ý kiến biểu quyết của Đại hội Cổ đông thường niên. Vậy số tiền được dành để chi trả cổ tức là 30 tỷ đồng. Những công ty trong giai đoạn đang phát triển thường có xu hướng sử dụng lợi nhuận ròng để tái đầu tư nhiều hơn. Trong khi những công ty đã phát triển vững mạnh thường dành phần lớn lợi nhuận có được để chi trả cổ tức. Và một lưu ý khác rằng việc chia cổ tức luôn được dựa trên mệnh giá gốc của cổ phiếu chứ không phải giá trị thị trường.
2 loại cổ tức phổ biến
Đa phần những công ty niêm yết sẽ lựa chọn một trong những kiểu chia cổ tức như sau để phân chia một phần lợi nhuận ròng cho cổ đông: Chia cổ tức bằng 100% tiền mặt, chia cổ tức bằng 100% cổ phiếu, chia cổ tức kết hợp vừa tiền mặt và cổ phiếu hoặc không thực hiện chia cổ tức. Cụ thể:
Cổ tức bằng tiền mặt
Cổ tức tiền mặt chính là số tiền mặt có được từ lợi nhuận ròng mà công ty phân chia cho các cổ đông. Cổ đông nhận “tiền tươi thóc thật” có toàn quyền sử dụng phần cổ tức của chính mình. Tuy nhiên, đổi lại công ty sẽ bị giảm đi dòng vốn dành cho việc tái đầu tư từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng trong những năm tài chính tiếp theo. Chính vì thế, tỷ lệ phân chia cổ tức hàng năm là bao nhiêu thường được Đại hội Cổ đông bàn tính rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Cổ tức bằng cổ phiếu
Thay vì trực tiếp chi trả tiền mặt cho các cổ đông, công ty sẽ đưa ra quyết định chi trả cổ tức bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới và dùng chính số cổ phiếu này để phân chia cho cổ đông. Với cách làm này, chúng ta có thể nhận thấy giá trị thực của cổ phiếu công ty đang bị pha loãng. Tuy nhiên, ưu điểm nằm ở chỗ phần lợi nhuận vẫn được giữ lại để tiếp tục cho quá trình tái đầu tư từ đó không làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển cho những năm sau.
Tùy theo tình hình kinh doanh của công ty và quan điểm riêng mà nhà đầu tư sẽ có sự ưu tiên nhất định cho một trong hai hình thức chi trả cổ tức trên. Lấy ví dụ, khi công ty biết cách khai thác tốt nguồn vốn và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nhà đầu tư thường có xu hướng thích chi trả cổ tức để có được nhiều lợi ích hơn trong tương lai. Ngược lại, nếu nhận thấy công ty không còn khả năng tăng trưởng, phần lớn cổ đông sẽ ưa thích việc chi trả cổ tức nhiều hơn thay vì dùng số tiền đó cho việc tái đầu tư.
Cách cổ tức được chia
Khi công ty công bố sẽ chia cổ tức cổ phiếu 100:20, điều này đồng nghĩa với việc cổ đông được chia cổ tức bằng hình thức cổ phiếu. Ứng với mỗi 100 cổ phiếu đang sở hữu sẽ được chia thêm 20 cổ phiếu nữa. Theo đó, số cổ phiếu trên sẽ được chia vào tài khoản của cổ đông trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày tiếp theo.
Khi cổ tức được chia bằng tiền mặt, cổ đông chỉ cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền, số tiền được chia sẽ được trực tiếp chuyển vào tài khoản chứng khoán (đối với chứng khoán đã niêm yết). Đối với chứng khoán chưa niêm yết, cổ đông cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để được nhận cổ tức.
Lưu ý về ngày chia cổ tức quan trọng
Việc chi trả cổ tức tuân theo thứ tự thời gian của các sự kiện và các ngày liên quan rất quan trọng để xác định các cổ đông đủ điều kiện nhận Dividends.
Ngày công bố
Ngày công bố là ngày tỷ lệ chi trả cổ thức chính thức được thông báo đến các cổ đông và cổ đông cần có sự đồng ý trước khi được chi trả.
Ngày giao dịch không hưởng cổ tức
Ngày giao dịch không hưởng cổ tức hay còn được gọi là ngày giao dịch không hưởng quyền là cụm từ chỉ ngày quyền hưởng cổ tức hết hạn. Chẳng hạn, nếu ngày giao dịch không hưởng cổ tức là ngày T thì vào ngày T + 1 hoặc sau đó, người mua cổ phiếu sẽ được cho là không đáp ứng điều kiện để nhận cổ tức bởi quyền hưởng lúc này đã hết hạn. Để được hưởng cổ tức, cổ đông cần làm việc vào trước ngày T.
Ngày kỷ lục
Ngày kỷ lục hay còn được gọi ngày kết thúc là ngày mà doanh nghiệp thông báo xác định cổ đông nào đủ điều kiện để nhận cổ tức.
Ngày thanh toán
Ngày thanh toán là ngày mà nhà đầu tư nhận được khoản chi trả cổ tức vào tài khoản của mình.
Nên chọn công ty chi trả cổ tức nhiều hay ít để đầu tư?
Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng tốt hơn hết nên chọn những công ty có tỷ lệ chi trả cổ tức cao bởi điều này chứng minh được năng lực tài chính mạnh mẽ và việc hoạt động hiệu quả. Nhưng để biết được số cổ tức tiền mặt có được có phải dấu hiệu tích cực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Rất có thể số tiền trên có được phát sinh từ khoản vay ngân hàng để chiều lòng cổ đông.
Hoặc nó là dấu hiệu cho thấy công ty không còn khả năng tăng trưởng trong tương lai nên được sử dụng phần lớn để chi trả cổ tức. Nói như vậy, doanh nghiệp chi cổ tức cao chưa hẳn là tốt và doanh nghiệp không chi cổ tức hoặc chi cổ tức ít chưa hẳn là xấu. Hãy cẩn thận tìm hiểu báo cáo tài chính cũng như báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty để chắc rằng bản thân không bị “mắc bẫy”. Nên ưu tiên cho doanh nghiệp có chỉ số ROE lớn hơn chỉ số CoE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lớn hơn chi phí trên vốn chủ sở hữu) để đảm bảo giá trị cổ phiếu không bị giảm trong quá trình đầu tư.
Nhà đầu tư phải chịu thuế như thế nào đối với cổ tức nhận được?
Nhà đầu tư phải chịu thuế cả khi hưởng cổ tức hoặc bán cổ phiếu
“Cổ tức được chia từ lợi nhuận sau thuế, vậy người hưởng cổ tức sẽ không cần chi trả thêm bất cứ khoản thuế nào khi được chi trả từ doanh nghiệp” Đây là suy nghĩ chung của rất nhiều nhà đầu tư nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải vậy. Đúng như thế, khi nhận được cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ tức bằng cổ phiếu thì nhà đầu tư đều phải chi trả một khoản thuế nhất định cho Nhà nước. Cụ thể:
- Thuế khi nhận cổ tức bằng tiền mặt là 5%
- Thuế khi bán cổ phiếu (cho dù có lãi hay thua lỗ) là 0.1%
Nói cách khác, với quy định trên, nếu giá cổ tức giảm thì nhà đầu tư sẽ là người chịu thiệt hại khi phải chịu thuế cả hai đầu và đây cũng là một trong những nhược điểm lớn nhất mà nhà đầu tư gặp phải khi đầu tư chứng khoán.
Ví dụ cụ thể
Khi doanh nghiệp chi trả cổ tức 1 tỷ đồng bằng tiền mặt, nhà đầu tư chỉ sẽ nhận được 950 triệu đồng.
Khi doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ nhận được cổ tức với giá trị mỗi cổ phiếu là 950.000 đồng.
Khi nhà đầu tư bán 1.000 cổ phiếu với giá 100.000 đồng/cổ phiếu thì phải nộp thuế tương ứng là (1.000 x 100.000 đồng) x 0.1% = 100.000 đồng. Tức mỗi cổ phiếu lúc này chỉ có giá trị 99.900 đồng.
Lý do giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền
Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh giảm trong ngày giao dịch không hưởng quyền với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với lượng cổ tức đã chi trả cho các cô đông. Sự điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lý với giá trị thực tế của cổ phiếu sau khi chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu và được lý giải như sau:
Khi doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt
Lấy ví dụ doanh nghiệp lưu hành 1.000.000 cổ phiếu có giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp quyết định chi trả cổ tức 10% mệnh giá mỗi cổ phiếu cho các cổ đông. Nếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu vẫn được giữ nguyên không thay đổi tức 100.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hóa của công ty vẫn là 100 tỷ đồng (100.000 đồng/cổ phiếu x 1.000.000 cổ phiếu).
Trong khi đó, tổng cổ tức mà cổ đông nhận về là 10 tỷ (10.000 đồng/cổ phiếu x 1.000.000 cổ phiếu). Điều này là hoàn toàn không hợp lý với giá trị ghi sổ, trong khi cổ tức được trích từ lợi nhuận ròng đã được chi trả nhưng giá trị vốn hóa của cổ phiếu vẫn giữ nguyên được giá trị.
>> Mở tài khoản chứng khoán Mirae Asset
Khi doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu
Trong trường hợp doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, lấy ví dụ tỷ lệ chia là 100:20 (tương ứng với 100 cổ phiếu đang sở hữu sẽ được chia thêm 20 cổ phiếu). Vậy điều đó cũng đồng nghĩa giá trị vốn hóa 100 tỷ lúc này không ứng với 1.000.000 cổ phiếu mà là 1.200.000 cổ phiếu. Nói cách khác, giá trị thực tế của mỗi cổ phiếu trên sổ sách sẽ bị giảm, do đó, nếu vẫn giữ nguyên giá cổ phiếu trên sổ sách là 100.000 đồng/cổ phiếu vậy giá trị sẽ chênh lệch một cách vô lý.
Cách điều chỉnh giá cổ phiếu
Khi tiến hành chi trả cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu hay thực hiện phát hành thêm cổ phiếu, chia tách cổ phiếu,… Để điều chỉnh giá cổ phiếu cho phù hợp với tình hình thực tế có thể áp dụng công thức Go Value cụ thể như sau.
Gọi:
- P: Giá trị hiện tại của cổ phiếu
- P_dc: Giá của cổ phiếu sau khi được điều chỉnh
- P_ph: Giá của cổ phiếu được phát hành thêm
- m: Tỷ lệ cổ phiếu được phát hành thêm
- n: Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu
- D: cổ tức bằng tiền mặt
Công thức:
Pdc = [P + (Pph x m) – D]/(1 + m +n)
Tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu được cho là hợp lý?
Tỷ lệ chi trả cổ tức
Tỷ lệ chi trả cổ tức được tính bằng cách lấy số cổ tức bằng tiền chia cho lợi nhuận sau thuế hoặc cổ tức dùng để chi trả cho một cổ phiếu chia cho EPS. Lấy ví dụ, lợi nhuận sau thuế của công ty là 100 tỷ và số tiền mặt được dùng để chi trả cổ tức cho các cổ đông là 20 tỷ. Vậy tỷ lệ chi trả cổ tức là 20% (20 tỷ/100 tỷ)
Công ty nên có tỷ lệ chia cổ tức bao nhiêu?
Tỷ lệ chi trả cổ tức được cho là hợp lý của một công ty không cố định mà cần đáp ứng được 2 yêu cầu chính bao gồm:
- Tỷ lệ chi trả cổ tức cần đảm bảo lợi nhuận sau thuế sau khi được trích để chi trả cho cổ đông vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
- Số cổ tức được chi trả cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lợi trên vốn
Nói cách khác, việc đưa ra quyết định chi trả cổ tức của công ty sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như quyết định đầu tư của giai đoạn tiếp theo, yêu cầu của các cổ đông, tình hình kinh doanh thực tế của công ty,…
Nhầm lẫn của nhà đầu tư khi định giá cổ phiếu
Nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định đầu tư đa phần đều quan tâm khá nhiều đến cổ tức được chi trả, mà cụ thể là số tiền mặt nhận được cụ thể của mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, số tiền được chi trả cho mỗi cổ phiếu không thể làm cơ sở để đánh giá được cổ tức mà nhà đầu tư nhận. Để có những phán đoán chính xác, tốt hơn hết nên dựa vào tỷ lệ cổ tức trên thị giá. Lấy ví dụ cụ thể:
Nhà đầu tư chi 130 triệu để mua 1.000 cổ phiếu A. Nếu tỷ lệ chi trả tiền mặt sau đó của cổ phiếu A là 35% tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 3.500 nghìn và tổng cổ tức nhận được là 3.500.000 đồng. Vậy tỷ lệ cổ tức trên giá vốn lúc này là 2,69% (3,5/130). Trong khi đó, nếu nhà đầu tư chi 130 triệu để mua 2.800 cổ phiếu B. Nếu tỷ lệ chi trả tiền mặt sau đó của cổ phiếu B vẫn là 35% tức tổng cổ tức nhận được là 9.800.000 đồng (2.800 x 3.500). Vậy tỷ lệ cổ tức trên giá vốn lúc này là 7,53% (9,8/130), cao hơn nhiều khi chọn cổ phiếu A cho dù cả hai đều có cùng tỷ lệ chi trả tiền mặt.
Cổ tức cao hay thấp nên được hiểu như thế nào?
Công ty càng có tổng tiền mặt chi trả cổ tức lớn thì càng có nhiều tiềm năng trong tương lai? Tiền mặt dùng để chi trả cổ tức cao không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư được hưởng tỷ lệ chi trả cổ tức cao. Đúng vậy, một công ty chi 100 tỷ tiền mặt để trả cho cổ đông chưa chắc đáng đầu tư bằng công ty chỉ chi 10 tỷ để trả cổ tức. Sở dĩ nói như vậy vì việc đánh giá cần dựa trên cơ sở số cổ tức tiền mặt được dùng để chi trả cho bao nhiêu cổ đông cũng như tổng lợi nhuận sau thuế mà công ty đạt được là bao nhiêu.
Lấy ví dụ, công ty A chi cổ tức 10 tỷ trong tổng lợi nhuận 100 tỷ sẽ hoàn toàn khác với công ty B chi cổ tức 5 tỷ nhưng tổng lợi nhuận là 20 tỷ. Rõ ràng tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty A lúc này chỉ là 10% trong khi tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty B đạt tới 25%. Bên cạnh đó, nếu 10 tỷ cổ tức được chia cho 1.000 cổ phiếu sẽ cũng hoàn toàn khác với 10 tỷ cổ tức nhưng chỉ chia cho 200 hay 500 cổ phiếu. Nhưng suy cho cùng, để có sự đánh giá toàn diện và chính xác về cổ phiếu của một công ty có tiềm năng hay không, cần dựa vào nhiều yếu tố khác chứ không riêng gì tỷ lệ chi trả cổ tức.
>> Nhận hỗ trợ đào tạo trực tiếp với người thầy Quỳnh
Kết luận
Nói tóm lại, qua những thông tin mà Trạng Quỳnh vừa chia sẻ về cổ tức có thể thấy rằng đầu tư chứng khoán không phải một cuộc chơi mạo hiểu nếu có sự chuẩn bị vững chắc về nền tảng kiến thức. Thông qua những con số trong báo cáo tài chính có thể tiết lộ cho nhà đầu tư bất kỳ thông tin nào mà họ cần để có thể đưa ra chọn lựa đúng đắn từ đó đầu tư sinh lời hiệu quả.